Bài 7: Xác Định Mức Độ Thiếu Sữa

Sai lầm thường gặp

Khi mà mẹ thấy con có các dấu hiệu bú không đủ sữa, thì việc đầu tiên mẹ cần làm là xác định xem mẹ đang bị thiếu sữa, giảm sữa thật không, hay mẹ có sữa mà con không bú đủ, hay đó là tình trạng tăng nhu cầu tạm thời của con, tránh những sai lầm dưới đây khiến mẹ bị giảm sữa thật sự.

Sai lầm thứ nhất, bé thường xuyên mút tay, kết luận thiếu sữa và dặm thêm sữa công thức.

Trẻ sơ sinh có nhu cầu mút rất nhiều để trấn an, nên rất nhiều bé thường xuyên mút tay hoặc ngậm ti mẹ chỉ vì mục đích trấn an chứ không phải do bé đói.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh rất thích mút tay để khám phá bàn tay.

Cho nên, nếu chỉ nhìn biểu hiện bé thường xuyên mút tay thì không thể kết luận được mẹ thiếu sữa.

Nếu như mẹ đủ sữa mà lại bổ sung sữa công thức cho bé chắc chắn lượng sữa mẹ sẽ giảm.

Sai lầm thứ 2, khoảng cách giữa các cữ bú gần nhau kết luận thiếu sữa

Một số mẹ nói rằng sữa của em ít quá không đủ bé bú, cứ 5-10 phút bé lại bú 1 lần.

Nhưng mà sao ạ, bé vẫn bú mẹ hoàn toàn và tăng cân tốt.

Cứ 5-10 phút bé bú 1 lần, nhưng sau khi bú vài lần như vậy bé ngủ 1 giấc dài đánh thức dậy bú cũng không chịu dậy.

Đó là cách bú gộp hoàn toàn bình thường của trẻ sơ sinh.

Bú gộp có nghĩa là bé sẽ gộp những cữ nhỏ nhỏ lại thành 1 cữ lớn.

Ví dụ bé bú 5, 10 phút, ngủ 5, 10 phút, rồi lại dậy bú 5, 10 phút rồi lại ngủ 5, 10 phút.

Hoặc là bé bú 5, 10 phút xong rồi tè, lại bú 5, 10 phút xong rồi ị.

Các bé cứ bú những cữ nhỏ nhỏ như vậy trong vòng khoảng 1 tiếng, sau đó sẽ ngủ 1 giấc dài.

Nếu mẹ không biết đặc điểm sinh lý này là bình thường, lại bổ sung sữa công thức cho con sẽ khiến sữa mẹ giảm thật sự.

Sai lầm thứ 3, thời gian bú mẹ 1 cữ quá ngắn, kết luận thiếu sữa

Một số mẹ nói rằng con em bú ít lắm, mỗi lần chỉ bú có 5 phút thôi nên tự xác định con bú thiếu và mẹ ít sữa.

Tuy nhiên, có những bé bú rất hiệu quả, chỉ cần 5 phút là bé bú đủ no, miễn là bé có các dấu hiệu bú đủ thì mẹ không phải lo lắng.

Bé bú nhanh hay chậm tùy thuộc vào tính cách từng bé.

Có bé bú rất từ tốn, có bé lại rất háu ăn, bú rất nhanh.

Như các cụ vẫn nói, nam thực như hổ, nữ thực như miêu.

Tức là thông thường con trai thường ăn khỏe và ăn nhanh như hổ, còn con gái thường ăn uống nhỏ nhẹ chậm dãi giống con mèo.

Tất nhiên là vẫn có trường hợp ngoại lệ.

Ngoài ra, ngực mỗi mẹ cũng khác nhau, có mẹ đầu ti có 4 -5 tia sữa thôi, có mẹ có tới mười mấy tia sữa.

Có những mẹ xuống sữa liên tục cứ 1 – 2 phút lại xuống sữa.

Có những mẹ lâu hơn 3 – 4 phút mới xuống 1 đợt.

Vì vậy, những mẹ có rất nhiều tia sữa ở đầu ti hay phản xạ xuống sữa xảy ra nhiều thì bé sẽ bú rất nhanh no.

Nhiều bé chỉ cần bú 5 – 10 phút là no vẫn tăng ký tốt bình thường.

Sai lầm thứ 4, con bú quá nhiều cữ trong ngày, nhiều hơn con số 8 cữ trung bình nên kết luận mẹ ít sữa.

Có rất nhiều bé bú mười mấy cữ 1 ngày trong khi mẹ vẫn đủ sữa.

Ví dụ như bé nhà mình, lúc nhỏ bé bú đều đặn 8 cữ 1 ngày, nhưng sau đó vài tháng bé tự động chuyển sang bú 13 – 14 cữ 1 ngày.

Tức là sau khi thức dậy con bú cạn 1 bên ngực xong thức chơi, chơi chán con lại bú cạn 1 bên ngực còn lại và đi ngủ, cho đến khi thức dậy lần tiếp theo thì chu trình này kéo dài khoảng 3h.

Ban đêm thì bé dậy 1-2 lần, mỗi lần bú cạn 1 bên ngực rồi ngủ tiếp.

Tổng 1 ngày bé bú khoảng 13 – 14 cữ, nhưng mình vẫn đủ sữa cho bé bú mẹ hoàn toàn.

Nên những mẹ mà nói là cứ cách 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi con lại bú 1 lần, hay là con bú tới mười mấy lần 1 ngày, thì mình đều hỏi là mỗi lần bú, con bú cạn 1 bên ngực hay bú cạn cả 2 bên.

Nếu mỗi lần bú bé chỉ bú cạn 1 bên ngực, thì 1 ngày con bú mười mấy lần là hoàn toàn bình thường chứ không phải mẹ thiếu sữa.

Một trường hợp khác là trong tháng đầu sau sinh, do dạ dày của bé còn nhỏ nên bú được ít sữa trong 1 lần bú.

Sữa mẹ lại dễ tiêu, nên một số bé có nhu cầu bú các cữ khá gần nhau, từ 1 -1.5 tiếng lại bú 1 lần.

Miễn là bé có các dấu hiệu bú đủ thì mẹ hoàn toàn yên tâm rằng mình đang đủ sữa.

Sai lầm thứ 5, con bú quá lâu, 1-2 tiếng mới bú xong, kết luận mẹ ít sữa

Rất rất nhiều mẹ có nhiều sữa, nhưng do con bú sai khớp ngậm nên không rút được sữa ra khỏi ngực mẹ, nên con luôn bú trong tình trạng ngủ gục, vừa bú vừa ngủ nên cữ bú kéo dài rất lâu.

Con bú lâu như vậy khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, đồng thời rất căng thẳng vì hoang mang không biết mình có đủ sữa hay ít sữa.

Từ cái cái căng thẳng, mệt mỏi, cái hoang mang đó mới làm mẹ bị giảm sữa thật sự.

Bởi vì khi con bú sai khớp ngậm thì sữa ra rất ít mặc dù mẹ có sữa, nhưng khi con bú đúng khớp ngậm thì sữa lại ra rất nhiều và dễ dàng.

Xem thêm: Khớp Ngậm Đúng Là Gì – 6 Bước Để Tập Cho Bé Bú Đúng Khớp Ngậm

Sai lầm thứ 6, bổ sung sữa công thức khi bé tăng nhu cầu

Trong giai đoạn bé tăng nhu cầu bú, lúc này bé bú lâu hơn và lắt nhắt hơn để kích sữa cho mẹ, mẹ kết luận bị mất sữa và bổ sung sữa công thức.

Chính việc bổ sung sữa công thức mới làm mẹ mất sữa thực sự.

Ví dụ, nhu cầu 1 ngày của con bình thường là 700ml.

Nhưng trong giai đoạn này, nhu cầu của con tăng lên 800ml.

Cơ thể mẹ vẫn sản xuất 700ml nên con bú lâu hơn, bú lắt nhắt hơn để kích sữa cho mẹ tăng lên đủ nhu cầu của bản thân.

Nếu mẹ cứ tiếp tục cho con bú theo nhu cầu, thì lượng sữa của mẹ sẽ tăng lên 800ml.

Nhưng nếu mẹ bổ sung 100ml sữa công thức, thì cơ thể mẹ vẫn hiểu là bé cần có 700ml thôi, nên lúc đó sữa mẹ sẽ thật sự bị thiếu 100ml.

Sai lầm thứ 7, khi bé quấy khóc vài giờ trong ngày, đặc biệt là cuối ngày, mẹ nghĩ rằng hết sữa

Một số bé cứ đến tầm chiều tối hoặc là tối thì bắt đầu quấy.

Mẹ thấy con quấy lại nghĩ rằng hết sữa và bổ sung sữa công thức cho con khiến sữa mẹ giảm đi thật sự theo cơ chế mình đã nói ở bài trước.

Một số bé có nhu cầu bú mút cao, thích nghi với môi trường mới rất kém nên rất hay sợ và cần phải có người lớn kế bên thì mới cảm giác an tâm.

Những bé này cứ bỏ xuống là khóc, là khó chịu.

Quan trọng là những cữ khác bé vẫn bú được ngủ được, chỉ có 1 số khung giờ trong ngày bé khó chịu như vậy thì vẫn là bình thường.

Sai lầm thứ 8, con quấy khóc, không chịu ti mẹ, hay ngậm ti 1 tí rồi nhả ra khóc, kết luận mẹ thiếu sữa

Mình biết 1 mẹ đang cho con bú mẹ bình thường, bé đang phát triển bình thường, đến khoảng 2 tháng mẹ biết đến khớp ngậm đúng thì phát hiện ra con mình đang bú sai.

Mà khi đã biết là sai thì mẹ muốn chỉnh khớp ngậm lại cho đúng.

Nhưng mà mẹ chỉnh 1 hồi thì đến khi con chưa được 4 tháng tuổi, cứ khi nào mẹ bế con lên cho bú, nhìn thấy ti mẹ là con lại khóc và mẹ phải hút sữa ra cho con ăn bằng cách khác.

Trường hợp như vậy rất là đáng tiếc.

Vì bé đang bú mẹ hoàn toàn, chỉ là bé bú chưa được chuẩn, nhưng bé vẫn bú được sữa.

Thế mà cuối cùng lại thành ra con sợ ti mẹ, cứ nhìn thấy ti mẹ là khóc.

Rất nhiều mẹ khác cũng trong tình trạng khủng hoảng vì cái khớp ngậm.

Mẹ đang có sữa, nhưng vì stress quá nên sữa giảm luôn, con thì không bú được, cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn như vậy không thoát ra được.

Nên theo quan điểm của mình, mẹ cứ chọn cái cách kích sữa nào mà mẹ thấy thoải mái, và mẹ có thể đi đường dài.

Nếu đang thấy ổn rồi thì cứ chỉnh từ từ không phải vội.

Nếu mà ti mẹ trực tiếp stress quá thì mình làm cách khác.

Hút sữa ra cho con ti bình cũng được, miễn sao con vẫn được hưởng sữa mẹ.

Hoặc là hút sữa ra đút thìa cho con nếu như mẹ mong muốn cho con ti mẹ trực tiếp.

Đợi vài hôm tâm trạng ổn định lại, bớt căng thẳng hơn thì lại tập cho con ti mẹ sau.

Có nhiều cách để mẹ lựa chọn.

Mẹ nên lựa chọn cách nào mà cả mẹ và con cùng thoải mái.

Sai lầm thứ 9, một số bé từ trước tới nay vẫn ngủ xuyên đêm, nhưng rồi tự nhiên đêm lại dậy đòi ti vài lần, mẹ kết luận sữa bị giảm

Rất nhiều bé đang ngủ xuyên đêm rồi quay lại dậy bú đêm, rồi lại ngủ xuyên đêm, rồi lại dậy bú đêm, cứ xen kẽ như vậy, đây là sinh lý bình thường của bé chứ không phải mẹ thiếu sữa.

Sai lầm thứ 10, ngực mềm kết luận giảm sữa, mất sữa

Điều này mình đã giải thích trong Bài 4: cơ chế tạo tiết sữa rồi.

Thông thường ngực mẹ chỉ căng vài tuần đầu sau sinh do cơ thể chưa hiểu nhu cầu của bé bao nhiêu nên sản xuất dư thừa.

Sau đó khi cơ thể đã hiểu nhu cầu của em bé thì tự động lượng sữa sẽ giảm đi chỉ sản xuất đủ cho bé chứ không sản xuất dư thừa nữa.

Do đó, các mẹ sẽ thấy ngực mềm trong khoảng thời gian từ 6 tuần trở đi.

Có nhiều mẹ đến 3 tháng mới thấy ngực mềm.

Ngực mềm đi là do cơ chế sản xuất sữa thay đổi, chứ không phải mẹ bị mất sữa, hay giảm sữa.

Sai lầm thứ 11, ngực không còn chảy sữa nữa, mẹ kết luận giảm sữa, hoặc từ trước tới nay ngực không bao giờ chảy sữa nên nghĩ rằng ít sữa

Thật ra có tới 30% các mẹ không có cảm giác xuống sữa, nên ngực không chảy sữa cũng là bình thường và không phải dấu hiệu ít sữa.

Và khi mới sinh các mẹ thường thấy sữa chảy ra bất kể giờ giấc, con bú bên này sữa chảy bên kia.

Nhưng khi con lớn dần thì không còn hiện tượng này nữa.

Sữa sẽ không chảy lung tung nữa và khi con bú 1 bên bên kia chỉ rỉ sữa ra thôi chứ không bắn tia như lúc mới sinh nữa.

Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Xác định mức độ thiếu sữa

Xác định mức độ thiếu sữa

Sau khi bạn xác định là thiếu sữa, thì việc đầu tiên bạn cần làm trước khi kích sữa, đó là xác định mức độ thiếu sữa nhiều hay ít, từ đó tìm ra phương pháp kích sữa phù hợp nhất.

Chúng ta sẽ tính lượng sữa mẹ bị thiếu dựa vào lượng sữa ngoài mẹ bổ sung cho con.

Sữa mẹ bổ sung cho con có thể là sữa mẹ đã vắt trữ từ trước, sữa mẹ đi xin của mẹ khác hay sữa công thức, thì mình gọi chung là bổ sung sữa ngoài hoặc sữa công thức cho dễ nhé.

Mình chia ra làm 3 nhóm, và các bạn cũng xác định xem mình thuộc nhóm nào để lựa chọn phương pháp kích sữa cho phù hợp.

Nhóm 1, mẹ bổ sung dưới 100ml sữa ngoài 1 ngày, tương đương với mẹ thiếu 1 cữ sữa, nhóm này mẹ được coi là thiếu tương đối ít sữa.

Nhóm 2, mẹ bổ sung từ 100ml – dưới 400ml sữa ngoài 1 ngày, tương đương với mẹ thiếu khoảng 1 nửa non lượng sữa.

Nhóm 3, mẹ bổ sung trên 400ml sữa ngoài 1 ngày, tức là bé bú sữa công thức là chủ yếu.

Những mẹ nào nằm ở giữa danh giới, ví dụ mẹ bổ sung khoảng 400ml sữa ngoài 1 ngày cho con, hay lượng sữa ngoài bé bú tương đương với lượng sữa mẹ thì mẹ cứ xác định mẹ thuộc cả nhóm 2 và nhóm 3 cũng không sao cả.

Con số ở đây chỉ mang tính chất tương đối để các mẹ định vị được mình đang ở đâu mà thôi, mẹ đang thiếu nhiều sữa hay thiếu ít sữa để xác định hướng đi cho phù hợp.

XEM TIẾP

Bài 8: Cách gọi sữa về cho mẹ mới sinh

QUAY LẠI

Bài 6: Dấu hiệu bé bú đủ, dấu hiệu bé bú không đủ

Series “Hướng Dẫn Kích Sữa Từ A – Z”

Thảo Duyên

Blog Con Mọn

Bình Luận