Sự Tích Người Làm Chúa Muôn Loài

Truyện cổ tích Sự tích Người làm chúa muôn loài đã ca ngợi những đức tính quý báu của con người: có trí thông minh, biết giữ đạo lý, biết trọng nhân nghĩa. Hãy cùng Mẹ Và Bé Thảo Duyên đọc Sự tích Người làm chúa muôn loài và tìm hiểu những bài học ý nghĩa được truyền tải qua câu chuyện nhé!

Truyện cổ tích Sự tích Người làm chúa muôn loài:

Ngày xưa, cỗi trời và cõi trần rât gần nhau cũng như cõi trần và cõi nước ở gần sát bên nhau vậy.

Trong một ngày tất cả muôn loài ở trên ba cõi đều có thể đi lại chơi bời vài ba bận mà vẫn chưa tối.

Vua thiên đình là Ngọc hoàng cai quản tất cả muôn loài trên ba cõi.

Nhưng vì muốn cho các muôn loài ở cõi trần và cõi nước có một vị đại diện coi sóc hàng ngày.

Ngọc hoàng đặt ở cõi trần một vị vua nhỏ, thời ấy Hoàng đế ở trần gian là rùa.

Thuỷ tề ở cõi nước là thuồng luồng.

Nhưng ở cõi trần, muôn loài ngày càng chia ra làm nhiều giống, mỗi giống vật ngày càng sinh sôi nảy nỏ.

Hoàng đế rùa, chân ngắn, mai dày, đi lại chậm chạp, kém trí thông minh, không còn đủ tài đức cai quản muôn loài được nữa.

Vì vậy nhiều lần Hoàng đế rùa đã tâu lên Ngọc hoàng xin từ chức, để một loài khác lên thay ngôi.

Nhưng khi Ngọc hoàng hỏi rùa nên cử ai thì rùa rất lúng túng.

Vì rùa chưa biết kẻ nào thật xứng đáng.

Có những lần Ngọc hoàng và Hoàng đế rùa bàn luận hàng hai ba tháng, điểm qua hết thảy muôn loài nhưng vẫn chưa tìm được kẻ tin cậy nhất để cho làm vua thay rùa.

Một hôm, Ngọc hoàng tìm ra được một kế, bèn cho gọi Hoàng đế rùa ở trần gian lên bàn bạc, rồi sai rùa về loan báo cho muôn loài rằng:

– Đức Ngọc hoàng đã chết, ai có lòng nhớ ơn Ngọc hoàng thì lên thiên đình phúng viếng.

Ngọc hoàng có ý định là qua phúng viếng của muôn loài, sẽ chọn lấy kẻ nào tỏ ý thực tâm đau xót mình nhất thì cho làm vua.

Nhận lệnh Ngọc hoàng, về trần gian, Hoàng đế rùa phải đi suốt ba tháng ròng rã mới loan báo tới khắp các loài.

Được tin, muôn loài ở trần gian rủ nhau lên thiên đình để phúng viếng và vào tế Ngọc hoàng.

Hoàng đế rùa cùng đi nhưng hoàng đế thỉnh thoảng lại dừng lại dọc đường để nghe ngóng và thăm hỏi những loài đi chậm.

Các loài từng đàn lũ lượt kéo nhau lên thiên đình.

Trước tiên là loài chim, chúng cậy mình nhẹ người lại có cánh rủ nhau bay vùn vụt.

Trên đường đi, thấy Hoàng đế rùa chậm chạp bước một, chúng còn quay lại chế giễu.

Thứ hai là đoàn thú rừng, đi đầu là các giống hươu, nai, theo sau các giống chồn, cáo, sóc, thỏ, sau cùng là giống hổ lang, v.v…

Đàn này nối đuôi nhau hung hăng xông xáo, đi đến đâu cũng kêu la inh ỏi, náo động cả đất trời, giạt cả cỏ, đổ cả cây.

Khi vượt qua Hoàng đế rùa, chúng thi nhau trêu tức.

Thứ ba là loài bò sát gồm rắn, rết, thằn lằn, kỳ nhông, trăn gió, v.v… cũng không kém hung hăng.

Chúng cũng bỏ xa rùa, có con còn phun bọt vào mắt làm cho rùa phải thụt đầu thụt cổ.

Sau cùng là đoàn người.

Loài người đi rất thong thả.

Họ vừa đi vừa kể cho nhau công lao của Ngọc hoàng đối với muôn loài và đặc biệt đối với loài người họ ca tụng Ngọc hoàng có nhiều khó nhọc khi ấp ủ làm ra trời đất, sinh ra cỏ cây muôn loài.

Đi được nửa đường loài người gặp Hoàng đế rùa đang cất bước chân nặng nề mỏi mệt.

Họ thay phiên nhau cõng rùa cùng đi cho nhanh.

Tất cả các loài đã đến nhà Ngọc hoàng.

Khi vào tế, loài chim đến trước được mời tế trước.

Chúng đứng con trên, con dưới, con dọc con ngang, con quay mặt trở xuống, con quay mặt trở lên, rất lộn xộn.

Chúng gào:

– Hỡi Ngọc hoàng! Hỡi Ngọc hoàng! Vua nhà trời mà còn chết được sao?

Chúng tôi cứ tưởng đã là vua nhà trời thì phải trường sinh bất tử, làm mưa làm gió, bắt sống bắt chết.

May mà Ngọc hoàng chết đi, loài chim chúng tôi sẽ được bay lượn tự do.

Hỡi Ngọc hoàng! Thật là thương tâm!

Bầy lũ chúng tôi nay đã được tung hoành rộng cánh.

Nằm giả chết ở trên long sàng, nghe lời chim khóc than, Ngọc hoàng giận ứ đến tận cổ.

Chúng chỉ khóc lóc, kêu gào ngoài mồm.

Con nào mắt cũng ráo hoảnh.

Chúng tuôn ra những châm biếm mỉa mai.

Ngọc hoàng toan vùng dậy đánh chết bọn bội bạc, nhưng cố nén lòng để thử các loài khác nữa.

Kêu than giả dối một hồi, đàn chim láo nháo đi ra nhà ngoài chờ ăn uống.

Tiếp đến đoàn thú rừng vào tế.

Chúng đứng ngổn ngang lộn xộn hơn cả loài chim.

Đến giờ tế lễ, tiếng khóc của chúng lại càng ồn ào.

Giống hươu, nai, “khóc” vang trời, làm inh tai inh óc, giống hổ, báo “gầm gừ” nhe nanh, giơ vuốt làm cho ai cũng phải run sợ.

Chúng cũng mắt ráo hoảnh, cũng một giọng mỉa mai.

Đến loài bò sát cũng vậy, lộn xộn, ồn ào, giả dối lộ ra trong cách ngồi, cách trườn, trong tiếng khóc kêu gào, có con còn tỏ ra ngạo mạn, hung hăng, bội bạc hơn loài chim, loài thú.

Ngọc hoàng nghe thấy rõ hết nhưng cũng cố nén lòng chờ đoàn Người vào tế xong sẽ liệu.

Đến lượt đoàn người vào tế.

Họ biết nghe lời nhau đứng xếp hàng im lặng, kẻ trên người dưới.

Người nào cũng mắt buồn rười rượi.

Hàng trên không ai nói một lời, hàng dưới không ai hé một câu.

Không khí im lặng càng làm cho buổi tế trở nên nghiêm trang.

Theo lệnh người đứng đầu, tất cả đoàn người cùng một lúc cất tiếng khóc.

Họ cùng khóc lóc và than rằng:

– Ô hô! Ô hô! Đức Ngọc hoàng sáng tạo và cai quản muôn loài!

Thương Ngọc hoàng như thương mẹ, nhớ Ngọc hoàng như nhớ cha.

Công ơn Ngọc hoàng cao như trời, rộng như biển.

Ngọc hoàng chết đi thế là hết.

Quỳ trước vong linh Ngọc hoàng, chúng tôi dâng cả tấm lòng biết ơn của loài người đối với Ngọc hoàng.

Hỡi đức Ngọc hoàng! Hỡi đức Ngọc hoàng! Ô hô! Ô hô!

Khóc lóc kêu than xong, đoàn người còn sụp lạy, ai cũng nước mắt chảy ròng ròng.

Nằm im nghe tiếng khóc thảm thiết, Ngọc hoàng cảm động vô cùng.

Chờ muôn loài tế xong, Ngọc hoàng vùng đứng dậy, rồi vẫy gọi tất cả lại gần và nghiêm nghị nói:

– Ta bày ra cái trò này để thử lòng mọi loài đấy thôi.

Hiện nay Hoàng đế rùa đã già yếu, ngày càng chậm chạp, ta muốn tìm kẻ có tài đức thay nhưng chưa biết chọn ai.

Cho nên ta muốn nhân buổi phúng viếng này mà chọn lấy một loài vừa có nhân vừa có đức có lòng thuỷ chung đối với ta, lên ngôi thay Hoàng đế rùa.

Cuộc phúng viếng và tế lễ này, đã cho ta biết ai tốt, ai bội bạc.

Vì vậy, bây giờ ta có thể chọn kẻ xứng đáng lên ngôi Hoàng đế.

Thấy Ngọc hoàng còn sống và phán như thế, các loài chim và thú rừng quay lại trách móc lẫn nhau vì quá nông nổi đã trót nhỡ mỉa mai, châm biếm Ngọc hoàng.

Nhưng chúng cũng quyết giành ngôi Hoàng đế cõi trần cho tộc loại mình.

Loài chim bèn đưa ngay diều hâu ra ứng cử.

Chúng hết lời tán tụng diều hâu có tài bay cao, bay khoẻ, chỉ một lúc có thể bay đi được khắp bốn phương.

Diều hâu có đôi mắt tròn xoe và sáng quắc, có cái nhìn thấy được tất cả mọi cái hay cái dở của muôn loài mà đặt ra các hình phạt hoặc có phần thưởng một cách chính xác.

Diều hâu lại còn có cái mỏ quặm và cứng, có bộ móng sắc và nhọn, sẽ có đủ tài lực để mổ thủng đầu, xé tan xác những loài, những giống ngang ngạnh và bướng bỉnh.

Loài thú rừng cũng hăm hở đưa chàng hổ ra tranh cử.

Chúng bảo rằng hổ có tài nhảy cao, và chạy xa, một loáng có thể đi khắp nơi, mọi ngõ ngách, từ đầu suối đến cuối ghềnh, từ nơi hang cùng đến ngõ hẻm, mới có thể đủ sức để xem xét muôn loài.

Hổ có sức khoẻ vô địch lại có một bộ nanh sắc, có bộ vuốt nhọn, thừa sức quật chết tươi những loài nào không chịu ngoan ngoãn tuân lệnh của Hoàng đế.

Loài bò sát thì không ngớt tán dương rắn, chúng bảo rắn có tài bò lên cây cao xem xét các loài chim.

Có tài trườn mình khắp mặt đất để thăm hỏi các loài thú, có tài chui vào các làng mạc xó xỉnh để dò xét từng việc làm hay dở của các loài khác.

Loài người vẫn chưa lên tiếng.

Họ có ý chờ Ngọc hoàng kêu chọn.

Nhưng Hoàng đế rùa vốn mến loài người có nhân nghĩa, có tài trí.

Ngọc hoàng đống ý bèn dựa ngay vào lời nói của rùa mà phán truyền:

– Ta cũng có ý như Hoàng đế rùa. Vậy ta chọn loài người lên ngôi Hoàng đế thay rùa cai quản muôn loài ở cõi trần gian…

Nghe Ngọc hoàng phán chọn loài người lên ngôi Hoàng đế, hổ tức giận trợn tròn đôi mắt xanh lè, giơ vuốt nhe nanh, gầm lên vang trời, toan nhảy bổ vào cắn xé người.

Diều hâu cũng trừng đôi mắt, xoè đôi móng sắc nhọn, quắp cái mỏ quặm, định bay vù lại mổ loài người.

Loài rắn cũng trợn trừng đôi lắt lồi, bành cổ phun bọt phì phì, định lao mình nhả nọc độc.

Ngọc hoàng trợn mắt quát lớn.

Tiếng quát của Ngọc hoàng vang ra như sấm động, làm cho hổ, rắn, diều hâu phải sững lại.

Chúng nép vào nhau, run cầm cập.

Ngọc hoàng phán tiếp:

– Loài người có trí thông minh, biết giữ đạo lý, biết trọng nhân nghĩa.

Cho nên ta chọn loài người cai quản muôn loài ở dưới cõi trần, tất cả các loài từ nay phải nghe theo lệnh của loài người.

Hổ có bụng dạ xấu xa, từ nay phải cho người ăn thịt ninh xương.

Diều hâu thường độc ác, từ nay phải chịu cho người săn bắn.

Con rắn có nọc độc thì phải chịu nằm co quắp ở trong hang chịu nhịn đói suốt nửa năm và chỉ được ra ánh sáng khi mặt trời lên.

Loài thảo mộc hôm nay không chịu đến chầu, ta ra lệnh cho loài thảo mộc nhất nhất phải chịu lệnh của loài người không được cưỡng lại.

Sau đó Ngọc hoàng hạ lệnh tan buổi chầu, muôn loài ở đâu lại về đấy…

Loài người trở về, làm Hoàng đế thay rùa cai trị trần gian.

Từ đó, người được bắt loài thú, đánh bẫy loài chim, có quyền chặt cây đốn gỗ, cắt cỏ nhặt ngọn, hái quả lượm hạt bất cứ loài thảo mộc nào.

Loài thảo mộc y lệnh, muôn loài nhất nhất nghe theo sự sai bảo của loài người.

Loài thú và loài chim cũng cúi đầu chịu sự cai quản của loài người.

Duy chỉ có hổ, rắn và diều hâu còn bướng bỉnh.

Chúng không hoàn toàn tuân lệnh Ngọc hoàng.

Nhưng cũng không dám phản lại loài người.

Hổ còn lén vồ trộm loại người tha về rừng ăn thịt.

Diều hâu còn bất chợt sà xuống tha vụng vài con gà con của loài người đem tít lên ngọn cây cao.

Loài rắn còn lén thả nọc độc vào vài người vô ý.

Tuy hổ, rắn, diều hâu có bụng độc ác nhưng chúng đều rất sợ uy của loài người.

Mỗi khi gặp loài người chúng thường tránh mặt.

Loài ngời có quyền cai trị trần gian từ đấy.

“Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – NXB Văn Học”

sự tích người làm chúa muôn loài
Sự tích người làm chúa muôn loài – song ngữ

Bài học rút ra qua Truyện cổ tích Sự tích Người làm chúa muôn loài:

Câu chuyện Sự tích Người làm chúa muôn loài không chỉ ca ngợi những đức tính quý báu của loài người: có trí thông minh, biết giữ đạo lý, biết trọng nhân nghĩa, lý giải nguyên nhân tại sao loài người được cai quản cõi trần gian, mà qua câu chuyện này chúng ta còn rút ra được những bài học ý nghĩa sau:

Thứ nhất, đôi khi một số sự việc xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là do đã được sắp đặt sẵn, với mục đích thử thách lòng người, để tìm ra người xứng đáng nhất đảm nhận trọng trách.

Trong công việc chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp những tình huống như vậy.

Thứ hai, hung hăng, mỉa mai, giả dối, ngạo mạn, bội bạc, không có kỷ luật không phải là những phẩm chất nên có của người lãnh đạo

Thứ ba, người lãnh đạo tốt phải là người vừa có tài, vừa có đức.

Vì vậy, bên cạnh việc học những kiến thức ở trường, các bé cần học những bài học về đạo lý làm người.

Các em hãy ngoan ngoãn, lễ phép, siêng học, siêng làm để xứng đáng trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước như lời dạy của Bác Hồ:

“Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày khai trường 1946
Hồ Chí Minh toàn tập

Thảo Duyên

Blog Con Mọn

Bình Luận